Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Single-Sex School: Nên hay không?

Trước hết, chúng ta cần hiểu khái niệm “SINGLE-SEX SCHOOL” là gì?



Nói đơn giản, đây là những trường chỉ nhận học sinh nam hoặc học sinh nữ. Như trước đây ở Hà Nội có trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường THCS Trưng Vương).



Hiện nay các trường single-sex đã “tuyệt chủng” tại Việt Nam, nhưng ở Mỹ, nhiều trường trung học và đại học hiện nay vẫn duy trì mô hình này, trong đó có cả những trường có tiếng như Wabash (nam), Weslayan, Bryn Mawr, Smith, Mount Holyoke (nữ)... Thậm chí trong giới đại học của Mỹ còn tồn tại “7 sisters” - nhóm 7 trường nữ lâu đời và danh giá, từng được coi là đối thủ cạnh tranh với Harvard, Yale,...


Cá nhân tôi, khi nhập học vào Mount Holyoke College, cũng từng băn khoăn về việc này. Tuy vậy, sau một năm nhìn lại, tôi không hề hối hận với quyết định của mình.


Việc học tập trong một môi trường toàn nữ từng khiến tôi lo lắng, vì người ta vẫn thường cho rằng nhiều cô gái tập trung lại một chỗ thì sẽ kết bè kết phái, ghen ghét, kèn cựa. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại: không khí trong trường tôi lúc nào cũng vui vẻ, đoàn kết. Chúng tôi thường nói với nhau rằng: Con gái ra đời đã bị nhiều sự bất công trong xã hội rồi, nên trong môi trường này chúng ta phải đoàn kết, che chở cho nhau, chứ không thể cũng so bì, ghét bỏ nhau được. Các cô gái trong trường gọi nhau là “chị em” và thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau. Thậm chí ngay cả một số hoạt động truyền thống của trường cũng nhằm gây dựng tình đoàn kết giữa học sinh. Ví dụ, khoảng giữa tháng 9, chúng tôi có một hoạt động gọi là Elfing, trong đó học sinh năm thứ hai sẽ bí mật trang trí cửa phòng và tặng kẹo cho học sinh năm nhất vào ban đêm trong suốt một tuần, và chỉ tiết lộ ai là người tặng vào ngày cuối cùng của tuần lễ. Hoạt động này luôn được mong chờ trong năm, và được coi là một cách dễ thương để thể hiện sự chào đón của học sinh năm thứ hai tới học sinh năm thứ nhất.


(Qua trao đổi với bạn Trần Việt Anh ở trường nam sinh Wabash, tôi được biết rằng  các bạn cũng coi việc tạo dựng mối quan hệ “anh em một nhà” giữa các học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa và các “Hội nam sinh” của trường, giúp các bạn thân thiết với nhau hơn. Tôi cho rằng, đây là một đặc điểm của các trường single-sex: tăng thêm tình đoàn kết trong toàn trường thông qua việc tạo dựng những mối quan hệ “anh em”, “chị em” giữa các sinh viên.)


Môi trường chỉ có một giới tính cũng giúp chúng tôi thoải mái hơn với nhau. Bởi không có người khác giới trong lớp học (ngoại trừ giáo viên), chúng tôi có thể thoải mái thảo luận với nhau về những chủ đề “nhạy cảm” như sức khỏe giới tính, bình đẳng giới, nữ quyền,... Ngay cả trong môi trường sống cũng vô cùng thoải mái, không phải lo lắng đến việc chăm chút cũng như những nhận xét có phần “vô tâm” và thiếu sự đồng cảm về ngoại hình của người khác phái. T


Đối với nữ giới, các trường single-sex còn là “cái nôi” giúp tôi luyện sự tự tin và khả năng lãnh đạo. Với nhiều cô gái, đặc biệt là con gái Á Đông, chúng ta thường khuyến khích họ phải e lệ, khiêm tốn, trong khi đó con trai thì được khuyến khích tự tin và mạnh mẽ. Bởi vậy, khi học trong cùng một môi trường, con gái thường gặp khó khăn hơn trong việc thể hiện khả năng lãnh đạo hay phát biểu ý kiến so với con trai - đây là điều mà một số nghiên cứu đã chứng minh (Askew and Ross 1988; Howe 1997; Francis 2004). Trong môi trường toàn nữ, chúng tôi không phải lo lắng cạnh tranh về sự cạnh tranh đó. Cơ hội thử khả năng lãnh đạo - trong lớp, trong các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ trường hay ngay cả nơi làm thêm trong trường - cũng tăng lên đáng kể. Lâu dần, những trải nghiệm này khiến con gái chúng tôi tự tin rằng mình hoàn toàn có khả năng lãnh đạo (ví dụ điển hình là bà Hilary Clinton - cựu học sinh trường nữ sinh Wellesley).


Một số người cho rằng đây là cơ hội tốt để học tập vì không bị phân tán tư tưởng, một số người lại không thích môi trường single-sex vì cho rằng học sinh sẽ bị hạn chế khả năng giao tiếp với người khác giới. Trên thực tế, mặc dù 100% học sinh là nữ (hoặc nam) khiến việc tiếp xúc với “phe bên kia” sẽ hạn chế hơn so với ở những trường có cả nam và nữ, việc giao tiếp với người khác giới không phải là không có- thậm chí, bạn còn thường xuyên tiếp xúc với họ. Trước hết, giáo viên và nhân viên của trường không phải chỉ toàn nữ hoặc toàn nam - trường nam sinh hoàn toàn có thể có đến một nửa số giáo viên/nhân viên là nữ, và ngược lại. Thêm vào đó, một số trường có thể đặt cạnh những trường cả nam và nữ, do đó không hề thiếu học sinh của trường bên kia đến học một số lớp hoặc tham gia các hoạt động của trường single-sex, và ngược lại. Ví dụ như Mount Holyoke: trường nằm trong cụm năm trường gần nhau trong khu vực, cho phép học sinh tự do qua lại lẫn nhau để học tập hoặc tổ chức hoạt động ngoại khóa. Trong thời gian theo học tại Mount Holyoke, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp được các bạn nam đến học văn học hoặc khoa học tại trường mình, hoặc tại các buổi tiệc. Vậy nên,  bạn không phải lo lắng về việc thui chột khả năng giao tiếp với người khác phái , bởi cũng như bất cứ việc gì khác ở đại học, “When there is a will, there is a way”, và tất cả phụ thuộc vào việc bạn có muốn hay không.


Vậy học tại trường single-sex, nên hay không? Đây là câu hỏi mà mỗi cá nhân sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Theo kinh nghiệm cá nhân, mình chắc chắn rằng các trường single-sex không hề thua kém bất cứ trường nào về chất lượng lẫn những cơ hội nó mang lại cho học sinh. Nếu bạn cảm thấy dễ chịu trong một môi trường “chỉ toàn phe mình”, tại sao không?

Người viết: Đặng Hoài Thu - Mount Holyoke College khóa 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét