Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

GREEK LIFE 101

Bạn đã bao giờ nghe thấy từ “Greek Life” hay “going Greek” chưa? Từ này không liên quan đến việc xách ba lô lên và đi đến Hy Lạp gì đâu nhé. Bạn chẳng cần đi đâu xa mà chỉ cần ở trong trường cũng có thể “go Greek.”


 “Greek organizations” là từ để chỉ các hội sinh viên có tên được đặt theo bảng chữ cái Hy Lạp. Các hội này thường là một cộng đồng cực kỳ khăng khít và sống cùng nhau trong một nhà. Theo như truyền thống, từ “fraternity” dung để chỉ hội dành cho nam, “sorority” để chỉ hội dành cho nữ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà tiếng nói của cộng đồng LGBTQ+ đang ngày càng rõ hơn, rất nhiều Greek organizations đang xem xét lại nội quy để xác định đối tượng thành viên của mình. Tất nhiên đây vẫn còn là một vấn đề nan giải.


Mình đã tò mò về Greek Life từ lâu nhưng đáng tiếc là trường mình không có hội nào. Tiện đây mình muốn cảm ơn các bạn của mình ở trong các fraternities và sororities trường khác đã giúp mình hoàn thành bài viết này.

Quá trình gia nhập một Greek organization bắt đầu với “rushing” – bước tuyển thành viên. Thông thường bạn sẽ được dẫn đi tour một vòng các nhà của nhiều hội khác nhau và được mời đến các buổi gặp mặt nho nhỏ hoặc to to (Đi đi nhé! Bạn có thể được nhận rất nhiều quà vào cửa) Nếu hội thấy rằng bạn phù hợp với các tiêu chí sẵn có, họ sẽ cho bạn một lời mời, gọi là “bid.” Bạn có thể chấp nhận hoặc từ chối lời mời này. Nếu bạn quyết định chấp nhận thì chúc mừng bạn, bạn đã trở thành một “pledge,” bước đệm trước khi được làm thành viên. Để trở thành thành viên chính thức, bạn sẽ phải trải qua các buổi lễ kết nạp và vượt qua một sêri thử thách dễ gây xấu hổ.

Tất nhiên, không phải Greek organization nào cũng hoạt động kiểu này. Ngoài loại xã hội còn có loại tình nguyện (tuyển người không phân biệt giới tính), loại nghiệp vụ (chuyên tập trung vào việc phát triển công việc) và loại chỉ tuyển người thuộc một dân tộc nhất định.

Ngoài ra, Greek life có thể mạnh ở một số trường (VD Washington & Lee có 77% tham gia Greek Life) và chẳng hề tồn tại ở một số trường khác (Trường mình đã cấm các Greek organizations). Bạn có thể xem thêm thông tin về Greek Life tại trường bạn trên website https://colleges.niche.com Với các trường có Greek Life mạnh, bạn có thể cảm thấy chút ganh đua giữa những người tham gia Greek Life và những người không tham gia (Greek vs Geek)


Rất nhiều học sinh quốc tế “go Greek” vì muốn hiểu biết hơn về văn hoá Mỹ. Greek Life thật sự là một trải nghiệm rất độc đáo vì bạn sẽ đắm chìm trong nó. Bạn sẽ được mở rộng các mối quan hệ của mình và vượt qua thói quen chỉ dành thời gian với những người giống mình. Mình nghĩ Greek Life có thể làm giảm sự nhớ nhà và shock văn hoá của bạn bằng cách cho bạn một cú shock mạnh hơn nhưng không dai dẳng. Bởi lẽ thích nghi với Greek Life có thể khá khó khăn nhưng một khi bạn đã làm được điều này, bạn sẽ có một nhóm người sẵn sang ủng hộ, giúp đỡ bạn
Với một học sinh năm nhất, Greek Life có thể đem lại cho bạn một gia đình mà bạn đang tìm kiếm trong lúc nhớ nhà. Tất nhiên còn nhiều cách khác để kết bạn nhưng Greek Life tạo ra một bối cảnh rất thuận tiện để làm việc đó. Nói qua cũng phải nói lại. Trong khi có nhiều người nói rằng những người thân nhất với họ chính là những người trong hội, nhiều người khác vẫn dễ có các mối quan hệ sâu sắc hơn với những người không ở trong hội, ví dụ như với các học sinh quốc tế khác.

Nhiều người chọn Greek Life để được tha hồ party, nhưng mà các Greek organizations còn làm nhiều việc khác nữa. Thỉnh thoảng, hội sẽ có các hoạt động tình nguyện và nhiều events, giúp cho bạn tăng kỹ năng tổ chức và lãnh đạo. Mạng lưới quốc gia của các Greek organizations cũng là một lợi thế lớn cho bạn sau này. Mọi người rất coi trọng khái niệm “brotherhood” và “sisterhood” trong hội. Một khi đã nhập hội, bạn có thể được coi là một người trong gia đình cho đến hết đời. Chỉ cần bạn nói ra vài cái tên trong một buổi trò chuyện thân mật nào đó, bạn rất có thể sẽ tìm được một công việc hoặc cơ hội thực tập cho mình! Có thể bạn chưa biết: 85% số lãnh đạo trong Fortune 500 và 76% số người trong quốc hội Mỹ đã tham gia Greek Life.



Trước khi bạn quyết định gia nhập, bạn nên cân nhắc một số điều sau. Quá trình “rush” có thể sẽ rất mệt mỏi và hiện tượng “hazing” (bắt ép thành viên mới làm những việc quá sức chịu đựng, thậm chí là có hại) vẫn còn là một thực tế ở rất nhiều nơi. Khi các hội đang tuyển người, họ sẽ tránh giới thiệu mấy điều không mấy hay ho này. Hãy xem xét kỹ những gì họ nói và hãy hỏi ý kiến những người cả trong và ngoài hội. Nếu có người “haze” bạn, hãy chuồn ngay lập tức và báo cho ai đó. Bạn không cần phải chịu đựng những hành động như thế.

Một điều khác khiến người ta không muốn “go Greek” là nó khá tốn kém. Bạn sẽ phải trả một khoản phí trong khoảng từ hàng tram đến hang nghìn đô một năm. Tất nhiên, càng nhiều hoạt động, tiền phải đóng càng nhiều. Nhiều người cho rằng đây là khoản tiền thích đáng để đầu tư vào tương lai của họ những bạn hãy cân nhắc kỹ tình hình tài chính của bản thân nhé!

Một số người cũng không mấy hứng thú với việc dùng chất có cồn (Tuổi được uống rượu hợp pháp ở Mỹ là 21) và chất kích thích ở các Greek organizations. Các hội này mang rất nhiều tai tiếng trong việc lạm dụng chất gây nghiện. Nếu như bạn không thấy thoải mái, đừng bắt mình thử làm gì. Nhưng nếu bạn thấy cũng không sao, hãy sử dụng chúng một các an toàn vì sẽ chẳng có ai theo dõi bạn cả. Bạn hoàn toàn có thể “Go Greek” mà không dùng các chất này cho dù bạn có thể phải nhìn thấy người khác dùng suốt ngày.

Cuối cùng, Greek Life sẽ đòi hỏi từ bạn kha khá thời gian, nhất là trong quá trình “pledge”. Bạn sẽ phải học thuộc và bị kiểm tra về lịch sự, nội quy của hội. Bạn cũng sẽ phải sẵn sang tham gia nhiều hoạt động thường xuyên và cả các hoạt động không thường xuyên. Bạn mình từng kể đã có lần, đang đêm hôm khuya khoắt, bạn mình bị trùm đầu rồi đưa đi event ở một bang khác và phải ngồi trên xe cả tiếng đồng hồ.

Chắc chắn Greek Life không dành cho tất cả mọi người nhưng nếu bạn tìm được một gia đình phù hợp, Greek Life sẽ là một trải nghiệm đáng có. Hãy nhớ đừng để ai gây áp lực cho bạn. Một khi bạn thấy mình không được tự quyết định cho bản thân, có thể đã đến lúc suy nghĩ lại và “dứt áo ra đi.”

Nếu có câu hỏi hoặc ý kiến đóng góp, các bạn hãy gửi mail cho mình blog2@capstonevietnam.com

Nguồn ảnh:
http://alivecampus.com/wp-content/uploads/2013/07/greek-life.jpg
https://www.utoledo.edu/studentaffairs/osi/greek/images/greekalphabet.jpg
http://static1.squarespace.com/static/545fe9ade4b093c10ce22393/t/54697bace4b0ddf2508ddd32/1416199101372/
http://alivecampus.com/wp-content/uploads/2013/02/The-Truth-About-Greek-Life.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét