Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

10 trường Đại học thống trị bảng xếp hạng thế giới QS 2018

Top 10 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS 2018 (Quacquarelli Symonds ranking) gồm 5 trường của Mỹ, 4 trường của Anh và một trường của Thụy Sĩ. Trong đó, ba ngôi đầu bảng vẫn là những cái tên quen thuộc: MIT, Stanford và Harvard.

QS xếp hạng dựa trên 6 tiêu chí bao gồm danh tiếng về học thuật, đào tạo; danh tiếng người được tuyển dụng; tỷ lệ giảng viên/sinh viên; số lượng trích dẫn/giảng viên; tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế.

MIT đã vượt qua Harvard và Stanford để đứng đầu bảng xếp hạng QS năm nay.

Viện công nghệ Massachusetts (MIT) vượt mặt Harvard và Stanford để giành vị trí quán quân bảng xếp hạng QS 2018. MIT tự hào dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực Khoa học như Toán học, Hóa học, Khoa học Máy tính, Kỹ thuật và Vật lý. Đây là những lĩnh vực đã giúp trường có được 81 người đoạt giải Nobel và 45 học giả.

Toàn cảnh Viện công nghệ Massachusetts.

Đại học Stanford đứng vị trí số 2 bảng xếp hạng QS 2018.

Trường Đại học Stanford thuộc bang California, Hoa Kỳ nổi tiếng với khuôn viên rộng thứ 02 thế giới, có thế mạnh giảng dạy trong các lĩnh vực Toán học và Khoa học. Ngôi trường này đã cho ra 30 tỷ phú và 17 phi hành gia.

Khuôn viên trường Stanford lúc về đêm.

Harvard xếp thứ 3.

Harvard nổi tiếng thế giới không chỉ vì hệ thống giáo dục hoàn hảo với đội ngũ giảng viên có uy tín và những sinh viên ưu tú, mà đây còn là ngôi trường được mệnh danh giàu nhất thế giới với doanh thu khoảng 4,4 tỉ USD/năm.

Thư viện Harvard.

Viện Công nghệ California - Caltech xếp thứ 5 trong top 10 đại học tốt nhất thế giới năm 2018, theo QS.

Viện Công nghệ California (Caltech) là trường đại học hàng đầu thế giới về lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật. Trường được trao tặng 32 giải Nobel, có 66 người đã nhận Huy chương Khoa học Quốc gia và có tới 112 giảng viên là viện sĩ của các Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ.

Đại học Cambridge (Anh) giành vị trí thứ 5.

4 vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về các đại diện của Anh, gồm Cambridge, Oxford, London - UCL và Đại học Hoàng gia London.

ĐH Oxford xếp thứ 6.

Được biết đến là đại học lâu đời nhất thế giới, ĐH Oxford đã có hơn 900 năm xây dựng và hoàn thiện tầm vóc của mình. Danh tiếng của ngôi trường có được là nhờ chất lượng của sinh viên khi ra trường, chưa kể đến việc 26 vị thủ tướng Anh đã từng tốt nghiệp tại đây.

ĐH London với vị trí số 7.

Đại học Hoàng gia London xếp ngay sau Đại học London: vị trí số 8.

ETH Zurich - Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ giữ vị trí thứ 9.

Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á, tăng hai bậc so với năm 2017, xếp thứ 10.

Năm 2018, có 959 trường đại học thuộc 84 quốc gia và vùng lãnh thổ được QS xếp hạng. Tổ chức này đã khảo sát hàng chục nghìn học giả trên toàn thế giới với điều kiện không được bỏ phiếu cho chính trường đại học của họ.

Nguồn: dantri.com.vn

Vào giảng đường bằng xe lăn, 9X Việt trở thành “người hùng” trên đất Mỹ

Chân không đi được, tay bất lực, miệng nói không rõ chữ, một mình với chiếc xe lăn, Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992) vẫn tự tin vươn ra thế giới và hơn thế, chàng trai quê Vũng Tàu còn trở thành "Người hùng thầm lặng" truyền cảm hứng mạnh mẽ tại Mỹ.

Trần Mạnh Chánh Quân tiến vào lễ đường ngày nhận bằng tốt nghiệp ĐH Georgia Gwinnett, Mỹ.

“Da Vinci trong lĩnh vực lập trình”

“Quân sinh ra tại Việt Nam với chứng bại não. Sau khi tốt nghiệp trung học, Quân đến Mỹ học công nghệ thông tin. Tiến sĩ Evelyn Brannock, Robet Lutz và Lissa Pollacia là những người luôn động viên Quân bên cạnh sự hỗ trợ của gia đình".

"Tôi thích gọi Quân như là một Da Vinci trong lĩnh vực lập trình – tiến sĩ Brannock nói – Cậu ấy tạo nên những mã code rất đẹp và những sáng tạo ấy có tiềm năng rất lớn”.

“Nếu bạn không thể làm mọi việc một cách bình thường, hãy tìm cách khác. Bạn được định nghĩa bởi bản thân, thành tựu của bạn chứ không phải của ai khác” – Quân nói.

Đó là những trích đoạn về chân dung chàng trai Việt Trần Mạnh Chánh Quân trong bài viết “Chim cánh cụt học bay” đăng trên tạp chí của Trường Georgia Gwinnett College, Mỹ vào tháng 11/2016.

Quân xuất hiện trên tạp chí của Trường Georgia Gwinnett College như một sinh viên quốc tế có nghị lực phi thường.

Hành trình vươn mình ra thế giới và khẳng định trí tuệ, nhân cách sống của chàng trai Việt mắc hội chứng bại não đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh cho không ít người Mỹ, nhất là các bạn trẻ. Đó là lí do Trần Mạnh Chánh Quân vinh dự được trường Đại học Georgia Gwinnett (GGC) bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu "Unsung hero" (Người hùng thầm lặng) vào ngày 20/4 năm nay.

Giữa tháng 5 vừa qua, trong lễ tốt nghiệp niên khóa 2013-2017 của Đại học Georgia Gwinnett, cái tên Trần Mạnh Chánh Quân vang lên trong những tràng pháo tay chúc mừng giòn giã của toàn thể bạn bè, thầy cô. 9X Việt được trao 2 bằng Đại học về Công nghệ thông tin và Toán.

Danh hiệu "Unsung hero" – Người hùng thầm lặng chàng trai Việt nhận về.

Chia sẻ với PV Dân trí về lí do được vinh danh “Người hùng thầm lặng”, Quân cho biết: "Bài báo viết về mình trên tạp chí Engage magazine chi nhánh tại trường Georgia Gwinnett College đã truyền được cảm hứng cho rất nhiều người.

Ngoài ra, mình cũng được biết đến là sinh viên có khả năng lập trình khá tốt, sẵn sàng giúp đỡ các sinh viên khác khi cần. Mình nghĩ đây mới chính là điều khiến mình nổi bật trong số các sinh viên ở đây".

Quân bày tỏ niềm vui xen lẫn tự hào, không phải vì danh hiệu người hùng mà bởi lẽ cậu đã chứng mình được rằng, bản thân qua Mỹ không phải để xin bất kì một niềm thương hại nào cả. "Lúc đầu, nhiều người nghĩ mình qua Mỹ để tìm sự giúp đỡ. Nhưng hiện tại mình được tôn trọng và yêu quý vì năng lực của bản thân", Quân tâm sự.

Chàng trai bại não chưa bao giờ đầu hàng trước khó khăn.

Mắc hội chứng bại não bẩm sinh, ban đầu bố mẹ không muốn cho Quân tới trường, nhưng ngay từ ngày nhỏ Quân đã bộc lộ tính cầu tiến và hòa nhập. Bất lực trong việc điều khiển tay, chân theo ý mình, không thể giao tiếp với thế giới theo cách bình thường như bao người nhưng Quân không đầu hàng.

Lớp 6, Quân được ba mẹ trang bị một máy tính xách tay để thuận tiện việc chép bài ở lớp. Tay phải bị liệt hoàn toàn, Quân bắt mẹ trói chân mình lại để tập đánh may bằng tay cử động của 3 ngón trên bàn tay trái.

“Ở lớp mà đưa chân lên bàn thì... mất mỹ quan quá”, Quân cười kể lại.

Quân ham học và quyết tâm học. Quân từng quyết leo 1.000 bậc thang lên núi Tao Phùng (Vũng Tàu) để chứng minh với thầy cô mình đủ sức khỏe tham gia kỳ thi Học sinh giỏi Cấp quốc gia năm học 2009 - 2010...

Đam mê Tin học, Quân xuất sắc giành nhiều giải HSG Tin học cấp tỉnh và cấp quốc gia. Lớp 9, cậu thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh Vũng Tàu với số điểm môn chuyên gần như tuyệt đối rồi một mình lên thành phố trọ học.
Cậu bé Quân tập vận động cơ tay lúc 2 tuổi.

Với những nỗ lực vượt bậc và thành tích xuất sắc, tốt nghiệp cấp 3, Quân được trường Utica college ở New York (Mỹ) bảo lãnh sang học. Năm 2013, Quân được trường Georgia Gwinnett College (Mỹ) cấp học bổng 50%. Chàng du học sinh người Việt là gương mặt sinh viên sáng giá ở trường, được chọn tham gia các cuộc thi của Hiệp hội Chuyên ngành Công nghệ thông tin (AITP).

Tháng 11/2016, "gã khổng lồ" Google từng gọi Quân nộp hồ sơ dự tuyển nhân viên làm việc toàn thời gian. 9X cũng giành được thứ hạng cao tại nhiều cuộc thi AITP, NCC, ACM… Sau 4 năm miệt mài học tập, Quân đã cầm trên tay bằng tốt nghiệp đại học 2 chuyên ngành yêu thích.
Quân và mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp đại học tại Mỹ.

Khát khao sống ý nghĩa

Ở Mỹ, một thân một mình với chiếc xe lăn, mùa đông tuyết rơi dày, không ít lần Quân mắc kẹt hàng tiếng giữa tuyết lạnh không thể nhúc nhích được. May mắn những lần đó, đều có người đi ngang nhìn thấy qua rồi báo người có nghiệp vụ tới giúp kéo Quân thoát ra.

Mỗi ngày, Quân đi xe lăn từ chỗ ở đến trường khoảng 10 phút, di chuyển lên lớp học ở tầng cao bằng thang máy. Đến giờ ăn, có người giúp Quân bưng thức ăn ra và cậu tự xúc ăn. Quần áo thì tự bỏ vào máy giặt dùng chung xong bấm nút rồi tự xoay sở lấy. Vì là sinh viên mang khuyết tật, Quân được nhà trường tổ chức làm bài thi riêng, có camera theo dõi.

Chàng trai Việt quan điểm rằng khó khăn, trở ngại là để mình vượt qua chứ không phải để mình kêu ca, chùn bước. “Có người bảo tôi nên nhập tịch Mỹ để dễ dàng hơn cho việc học tập, làm việc nhưng tôi từ chối. Tôi muốn đến Mỹ học để xem họ có gì hay hơn mình”, Quân chia sẻ.

Trần Mạnh Chánh Quân (giữa) làm nức lòng người Việt trên đất Mỹ.

“Người hùng thầm lặng” xem mình là một người bình thường và sở hữu thêm “khuyết tật” mà thôi. Với Quân, “chẳng ai là hoàn hảo cả nên chẳng có gì phải buồn khi mình cũng thế. Động lực là mình có thêm cái khác người mà thôi”.

Tốt nghiệp đại học, Quân ở lại Mỹ một thời gian để hoàn thành các dự án dang dở và tích lũy kinh nghiệm. 9X dự định sẽ về nước làm việc một khi cậu có đủ sức mạnh đứng được trên đôi chân của mình.

Bản lĩnh, nghị lực và năng lực của Quân ở xứ người thực sự là niềm tự hào Việt. Trần Mạnh Chánh Quân sống đẹp với niềm khát khao được khẳng định sự tồn tại ý nghĩa của bản thân giữa cộng đồng, như chính những vần thơ cậu viết trên blog cá nhân:

"Đập nát trời cao, chim khát lượn,

Phá tan đáy biển, thèm cá bơi...

Khi nào trai ngọc tan trong nước,

Lúc đó tim tôi lạnh với đời".

Nguồn: dantri.com.vn

10 điều nên biết khi xin nhập học vào trường Đại học trong mơ của bạn



Không có một công thức kỳ diệu nào cho việc nhập học vào một ngôi trường nhất định, nhưng trong hơn 10 năm làm việc với những quy trình nhập học cho tạp chí The Chronicle of Higher Education, tôi đã nhận ra một vài điều. Những điều được rút ra này được dựa trên hàng trăm cuộc phỏng vấn với các giám đốc tuyển sinh của các học viện trong nhiều năm qua, có thể sẽ giúp bạn hiểu thêm về quy trình này.

Quyết định tuyển sinh không chỉ xoay quanh chính bạn

Khi các học viện chọn lựa sinh viên trong số những người nộp đơn, họ sẽ “tung hứng” về những mục tiêu mang tính cạnh tranh như gia tăng sự đa dạng trong cộng đồng sinh viên và mang lại nhiều doanh thu cho nhà trường. Các nhà tuyển sinh không tìm kiếm những sinh viên chỉ đáp ứng được một tiêu chí, họ sẽ chọn những người đạt được tất cả các tiêu chí hoặc giành được nhiều giải thưởng nhất. Vì vậy, việc bị từ chối nhập học đôi khi không phải do vấn đề từ chính cá nhân bạn.

Điểm số và điểm những bài kiểm tra vẫn đóng vai trò quan trọng nhất

Các trường luôn nói rằng họ muốn hiểu rõ về con người bạn, nhưng điều này chỉ đúng khi thành tích học tập của bạn (và chắc chắn họ còn xem xét đến sự kỷ luật của bạn) nằm ở mức cho phép.

Chính bạn có ý nghĩa hơn những con số đơn thuần

Sau khi các trường đại học xác định được một nhóm sinh viên lớn với chứng chỉ xuất sắc, sự khác biệt giữa họ lại trở nên quan trọng hơn – những nhà giám đốc tuyển sinh chia sẻ. Giữa những tiêu chí về đặc trưng tính cách, những nhà tuyển sinh chia sẻ rằng họ muốn thấy bằng chứng của (trong những bài luận, những hoạt động ngoại khóa): kỹ năng lãnh đạo, khả năng mạo hiểm, trí tuệ cảm xúc, ngọn lửa tư duy, trí tò mò, sự cảm thông, lạc quan, tính can đảm, sự kiên trì và khả năng vượt qua khó khăn trở ngại.

Hãy thể hiện con người thật của bạn

“Bội thực” những bài luận văn hay ho, bóng bẩy, các trường học hiện nay mong muốn được nhìn thấy con người thật của ứng viên – những trải nghiệm, niềm đam mê và mục tiêu của họ. Một số giám đốc tuyển sinh tin rằng họ sẽ hiểu sâu sắc về một người hơn thông qua những hình thức thay thế như video, ảnh, file âm thanh hay những bộ tài liệu, hồ sơ (có lẽ là một bài luận Tiếng Anh nâng cao). Một nhóm các trường Đại học uy tín, bao gồm Yale University, the University of Chicago, Pomona College, Reed College và the University of Rochester gần đây đã đưa ra phương pháp này. Cũng giống như những bài luận, đánh bóng bản thân quá là không tốt, những giám đốc tuyển sinh chia sẻ, vì vậy bạn có thể cân nhắc tới việc thuê một người làm video chuyên nghiệp. Tại Yale, có khoảng 400 (trong số gần 33.000) ứng viên năm nhất đã gửi hồ sơ bằng những hình thức thay thế này. Ít nhất trong một trường hợp, việc nộp một video thể hiện khả năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng với những người khác – là “người sẽ tạo nên sự khác biệt” – giám đốc tuyển sinh nói với tôi

Sự đa dạng làm nên giá trị

Bạn là sinh viên thế hệ đầu tiên hay là sinh viên có mức thu nhập thấp? Nhiều trường học đang nỗ lực nâng cao sự tiếp cận cho các sinh viên này, điều này sẽ giúp bạn làm nổi bật nền tảng bản thân – và việc những câu chuyện của bạn có liên quan như thế nào đến những thành tựu mà bạn đã đạt được – thông qua những bài luận và những cuộc phỏng vấn. Các nhà tuyển sinh đang suy nghĩ nghiêm túc hơn về bối cảnh kinh tế xã hội, ví dụ như chất lượng trường phổ thông của một ứng viên, nhằm thấu hiểu hơn về những cơ hội họ có và những khó khăn họ phải đối mặt.

Tuy nhiên tiền vẫn đóng vai trò quan trọng

Tại nhiều trường Đại học, vấn đề tài chính đang trở thành một vấn đề quan trọng. Việc có thể trả toàn bộ hoặc một phần học phí là một điểm cộng. Và một số sinh viên ưu tú với khả năng tài chính có giới hạn có thể bị từ chối không vì lý do gì ngoài việc họ thiếu tiền.

Vấn đề địa lý (một phần) thuộc về số mệnh

Một số trường học cụ thể muốn tuyển sinh viên từ khắp nơi, lý tưởng nhất là từ tất cả 50 bang. Cuộc bầu cử Tổng thống vào năm ngoái đã làm sáng tỏ sự phân chia thành thị - nông thôn, và những trường học đã và đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này bằng cách hướng sự quan tâm đến những ứng viên triển vọng từ những khu vực xa xôi. Nhìn chung, một trường Đại học ở khu vực Đông Bắc sẽ có thiện cảm với các ứng viên đến từ Montana hơn là những ứng viên mạnh tương tự nhưng đến từ Đông Bắc.

Gia thế không phải là yếu tố quyết định thắng lợi 

Nền tảng gia thế chắc chắn sẽ có lợi, nhưng những trường Đại học tên tuổi từ chối rất nhiều hồ sơ nhập học. Đừng cho rằng chỉ những mối quan hệ của Bố hoặc Mẹ vẫn có thể giúp bạn được nhận vào học tại trường.

Hãy sống thật tốt 

Một sáng kiến mới được gọi là “Xoay chuyển dòng nước” thúc giục những nhà tuyển sinh khen thưởng các ứng viên vì những dịch vụ cộng đồng liên tục của họ. Một số trường học như Massachusetts Institute of Technology đang xem xét kỹ hơn đến những gì các ứng viên đã làm để giúp đỡ những người khác, có thể là hàng xóm hoặc những thành viên trong gia đình họ. Bạn không cần thiết phải đến Belize để hoạt động giúp đỡ người khác (các nhà tuyển sinh lại thường nghi ngờ những chuyến đi phù du này). Trở thành gia sư cho một ai đó hàng tuần tại thư viện sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển sinh hơn, và thậm chí bạn sẽ được khen thưởng.

Các trường học muốn họ là lựa chọn đầu tiên của bạn

Có khoảng một trong số 5 trường học sẽ phân chia ứng viên từ “cần cân nhắc” cho tới “quan tâm” thông qua việc bạn truyền tải sự mong muốn được học tập tại ngôi trường mà bạn đang nộp đơn vào. Hãy mở email, liên lạc với nhân viên tuyển sinh. Cho họ biết khi nào bạn sẽ viếng thăm khuôn viên trường của họ. Chỉ những người chắc chắn về lựa chọn đầu tiên của mình và không cần thiết phải so sánh những gói hỗ trợ tài chính mới chọn thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ nhất: nộp đơn vào đợt tuyển sinh Early Decision, vốn có tính ràng buộc.

(Nguồn: Admissions tips on getting into dream college - The New York Times
Dịch: Capstone Vietnam)

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Cận cảnh những trường đại học mà Thủ tướng Canada điển trai từng theo học

Thủ tướng Canada Justin Trudeau không chỉ sở hữu sự nghiệp đỉnh cao, ngoại hình ấn tượng mà còn có bảng thành tích học vấn vô cùng ấn tượng.


Ngày 4-11-2015, ông Justin Trudeau chính thức nhậm chức Thủ tướng Canada ở tuổi 45, ông là Thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử nước này. Sau đây là những trường đại học Thủ tướng Justin Trudeau từng theo học.


Thủ tướng Canada Justin Trudeau tốt nghiệp khoa Văn học, Đại học McGill năm 1994.


Đại học McGill là trường đại học lớn ở Canada và là một trong số các trường đại học danh tiếng nhất ở Bắc Mỹ.


Năm 2014, trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới, Đại học McGill xếp thứ 2 Canada.


Thành lập từ năm 1821 tại thành phố Montreal, Québec, hiện nay Đại học McGill đào tạo khoảng 300 ngành học khác nhau.


Trong lịch sử phát triển, trường có 12 giải Nobel khoa học, đứng đầu Canada và là một trong những trường đại học có nhiều giải Nobel khoa học nhất thế giới.


Thủ tướng Justin Trudeau theo học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Địa lý Môi trường tại Đại học McGill năm 2005 – 2006 (sau đó bỏ dở để theo sự nghiệp chính trị).


Ông Justin Trudeau tốt nghiệp khoa Sư phạm, Đại học British Columbia năm 1998.


Đại học British Columbia là viện đại học lớn nhất ở thành phố Vancouver, British Columbia, Canada.


Đây là 1 trong 50 viện đại học đứng đầu thế giới.


Đại học British Columbia có trên 60.000 sinh viên tại các khu học xá ở Vancouver và Okanagan Valley. Hầu hết các sinh viên được ghi danh vào 5 khoa lớn: khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa y học và Trường kinh doanh Sauder.


Năm 2015, theo báo cáo của Hoa Kỳ, báo cáo Thế giới và Times Higher Education đã xếp trường Đại học British Columbia vào số 20 trường đại học công tốt nhất trên toàn thế giới.


Trường đại học này đã từng đào tạo 3 thủ tướng Canada, trong đó ông Justin Trudeau là thủ tướng đương nhiệm của Canada.


Thủ tướng Justin Trudeau theo học Đại học Montreal, chuyên ngành Kỹ thuật (2002 – 2004, chưa lấy bằng).


Đại học Montreal thành lập năm 1878, đào tạo 3 chuyên ngành chính: thần học, luật và dược.


Trường đại học Montreal (Univesity de Montreal) là trường đại học công lập nằm ở thành phố Montreal, tỉnh bang Quebec, luôn là một trong những trường đại học nghiên cứu dẫn đầu của Canada.


Với tổng diện tích 65 ha, giảng đường Montreal có đến 40 toà nhà. Là một giảng đường với thiết kế hiện đại và có nhiều không gian xanh, đại học Montreal được xem là một trong giảng đường tuyệt vời nhất Bắc Mỹ.

Nguồn: danviet.vn

COO Facebook xuất hiện ở Hà Nội, gặp gỡ 200 người trẻ

Sheryl Sandberg, "nữ tướng" nổi tiếng của Facebook đã có buổi talkshow sáng 12/11 tại Hà Nội.

Có khoảng 200 bạn trẻ, trong đó phần lớn là nữ đã được gặp gỡ Giám đốc điều hành Facebook vào sáng 12/11 tại Hà Nội. Buổi giao lưu diễn ra ở BKHUP Coworking Space, không gian mở nhưng số lượng khách mời đã được giới hạn do không muốn đây là một sự kiện công khai. Trước đó một tuần, cả nghìn người đã đăng ký để có cơ hội gặp gỡ Sheryl Sandberg tại Việt Nam, nhưng vẫn không thể lọt vào danh sách tham dự.

Nội dung buổi trò chuyện xoay quanh vấn đề làm cách nào để nữ giới có thể trở nên kiên cường và đạt được sự đối xử công bằng tại nơi làm việc. Sheryl Sandberg đã chia sẻ những kinh nghiệm bản thân trong việc vượt qua nghịch cảnh và cách đối mặt với các thách thức khó khăn trong cuộc sống và công việc, cách thức để có được cân bằng.


"Sheryl ngoài đời thực đúng những gì mình cảm nhận được từ cuốn sách Lean In, một người sống rất thật, không hoa mỹ nhưng lại truyền được nhiều cảm hứng nhờ sự hài hước và thông minh đặc biệt", Nguyễn Quỳnh Trang (Hà Nội) chia sẻ sau khi được tiếp xúc với COO của Facebook. 

Ví dụ, khi được hỏi cách để có thể cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, Sheryl cho biết là "ngủ, hãy ngủ thật nhiều và tin tưởng rằng mình đang làm việc với những đồng nghiệp tuyệt vời, luôn giúp bạn hoàn thành công việc", còn việc làm thế nào để thành công đối với một công việc của nam giới, bà cho rằng điều quan trọng là phải có khát vọng.

Trong cuộc sống, Sheryl cũng đưa ra lời khuyên rất thú vị với phụ nữ, rằng "cứ hẹn hò nhiều như bạn muốn, nhưng khi cưới, hãy kết hôn vì tình yêu. Tìm một người đàn ông có thể giặt giũ chứ không phải gã chỉ biết mua hoa cho bạn". Người tham dự buổi gặp gỡ cho rằng Sheryl Sandberg là người rất gần gũi và thân thiện, dù ở vị trí lãnh đạo một trong những công ty giá trị nhất thế giới hiện nay. 

200 bạn trẻ ở Hà Nội, đa phần là nữ giới đã có dịp giao lưu với "nữ tướng" nổi tiếng của Facebook.

Tạị Việt Nam, COO Facebook cũng được biết đến nhiều khi là tác giả của cuốn sách bán chạy Lean In. Nội dung trong đó là những câu chuyện, kinh nghiệm của bản thân bà trong cuộc sống và công việc, bí quyết trở thành người phụ nữ thành công cũng như việc thúc đẩy quyền bình đẳng giới. 

Bên cạnh buổi giao lưu tại Hà Nội, "Nữ tướng" của Facebook trước đó đã có tuần hoạt động bận rộn tại Việt Nam. Bà tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng và có buổi thảo luận cùng với Thủ tướng Australia - Malcolm Turnbull về chủ đề "Kết nối và Cộng đồng trong thế giới ứng dụng công nghệ”. 

Sandberg cho rằng công nghệ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Với mỗi công việc bị mất đi bởi công nghệ, 4 công việc khác sẽ được tạo ra. Khi mọi người được kết nối, được trang bị kỹ năng số, họ sẽ có việc làm. 

Còn ngày hôm qua 11/11, COO của Facebook thăm quan vịnh Hạ Long cùng với gia đình và bạn bè bằng du thuyền và vịnh Hạ Long. Đây cũng là địa điểm mà Mark Zuckerberg từng đến khi ở Việt Nam hồi 2011. 

Sheryl Sandberg (1969) là người Mỹ gốc Do Thái, sinh ra và lớn lên tại Washington DC. Bà tốt nghiệp đại học Harvard với hai bằng đại học và MBA, từng làm trợ lý cho Bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summer rồi làm Phó chủ tịch Google trong vai trò phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến trước khi đầu quân cho Mark Zuckerberg năm 2008.

Ở Facebook, bà xây dựng cho mình hình tượng một nữ tướng, được coi là "the real boss" (bà chủ) của công ty. Tại đây, Sheryl Sandberg góp công lớn trong việc đưa Facebook lên vị trí thống trị giới công nghệ cũng như nhanh chóng tìm ra cách khiến mạng xã hội này sinh lợi nhuận khổng lồ thông qua việc bán các "quảng cáo hiển thị không lộ liễu".

Theo bản mô tả từ Facebook, chức vụ của Sheryl Sandberg kiêm nhiệm nhiều công việc quản lý từ phòng bán hàng, phát triển kinh doanh, nhân lực, marketing cho tới chính sách xã hội và truyền thông. Năm 2012, Sandberg chính thức trở thành thành viên thứ 8 và là thành viên nữ đầu tiên của ban lãnh đạo Facebook.

Hiện Sheryl Sandberg là người phụ nữ quyền lực thứ tư thế giới, theo xếp hạng của Forbes, với tổng tài sản khoảng 1,6 tỷ USD.

Nguồn: Vnexpress.net

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Thủ tướng Canada: “Tôi bước vào chính trị từ vai trò một giáo viên”

“Cha tôi từng là chính trị gia bởi từng là một học giả, một luật sư nhưng tôi đi vào con đường chính trị với vai trò là một giáo viên. Tôi nghĩ rằng điều đó phù hợp với tôi và giúp tôi đạt thành công như ngày hôm nay. Không điều gì tốt hơn khi bạn tìm ra được con đường đi của chính mình”.

15h05', Thủ tướng Justin Trudeau đã đến trường ĐH Tôn Đức Thắng trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng nghìn sinh viên.

Chiều ngày 9/11, Thủ tướng Justin Trudeau đã đến trường ĐH Tôn Đức Thắng trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng nghìn sinh viên đang chào đón sẵn ở đây. Ông đã có mười phút chia sẻ với các sinh viên về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Canada. Bên cạnh đó, ông cũng dành nhiều nhắn nhủ cho giới hệ trẻ nỗ lực học tập để mang đến những điều tốt đẹp ở tương lai.

Vị Thủ tướng trẻ nhận được sự chào đón nồng nhiệt của sinh viên, giảng viên.

“Tôi muốn các bạn là những nhà lãnh đạo tương lai, bởi thế giới tương lai cần bạn hôm nay. Hãy nghĩ về những vấn đề thế giới đang đối mặt hôm nay. Những suy nghĩ, hành động và năng lượng của các bạn đều cần thiết cho thế giới ngày mai. Nỗ lực của các bạn hiện nay sẽ thay đổi thế giới, mang đến nhiều lợi ích mà các bạn chưa nghĩ tới."

Hàng nghìn sinh viên chờ sẵn từ trước để gặp được vị Thủ tướng điển trai.

Sau đó Thủ tướng Justin đã có gần 1 tiếng để trả lời nhiều câu hỏi mà sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đăng ký trước đó.

Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng hào hứng với vị khách đặc biệt

Nêu cảm nghĩ của mình khi lần thứ hai trở lại Việt Nam, Thủ tướng Justin Trudeau kể lần đầu mình tới Việt Nam sau khi vừa hoàn thành chương trình Đại học. “Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời vào Tết năm 1995. Tất cả mọi người đều đi du lịch và về quê thăm gia đình. Và chúng tôi đã đi chuyến tàu đêm, từ Hà Nội, phía bắc. Mỗi một ngôi làng chúng tôi đi qua đều bắn pháo bông rực rỡ, và đón chào năm mới. Tôi rất ấn tượng với người Việt Nam và sự hiếu khách.

Vẻ thân thiện của Thủ tướng Justin Trudeau với các cán bộ, giảng viên và sinh viên

Tôi đã được mời tới nhà một người dân, được họ chào đón nồng nhiệt cùng với rất nhiều thức ăn, những bài hát. Tôi còn nhận được thư của họ vài tháng sau đó. Đó là một cơ hội cho tôi khám phá Việt Nam một cách chân thực và giản dị nhất, đi tới thăm các làng quê từ Bắc vào Nam. Có thể là mọi người sẽ cười tôi, nhưng đó là lần cuối cùng tôi được chào đón nồng nhiệt như thế. Cách mà mọi người chào đón, chào mừng tôi như là một người đi du lịch cho tôi thấy rõ hơn về người Việt Nam. Nó khác với lần này tôi đến Việt Nam một cách trang trọng hơn, với tư cách là Thủ tướng của Canada. Nơi này đã thay đổi rất nhiều, phát triển hơn, hiện đại hơn, về cả xã hội và kinh tế, có nhiều cơ hội hơn cho mọi người. Đó là một sự thay đổi rất lớn và đầy thú vị”.

Thủ tướng Justin cũng dành nhiều nhắn nhủ cho giới hệ trẻ nỗ lực học tập để mang đến những điều tốt đẹp ở tương lai.

Trước câu hỏi về giai đoạn khó khăn nhất và làm thế nào vượt qua cũng như rút ra bài học như thế nào, Thủ tướng Justin Trudeau chia sẻ rằng: “Cha tôi từng là Thủ tướng Canada trong suốt 13 năm đầu đời của tôi. Tôi đã thấy sự ảnh hưởng của chính trị và có người hỏi tôi có muốn tham gia chính trị như cha mình hay không. Không không, đó không phải là điều tôi mong muốn. Nhiều người đặt kỳ vọng vào tôi, muốn tôi luôn đứng đầu lớp và chương trình như cha tôi đã từng đạt được. Có rất nhiều sự kỳ vọng của gia đình đến tôi nhưng tất cả sự kỳ vọng của mọi người là yếu tố bên ngoài không quan trọng rằng tôi là ai.

Tôi đã tự tìm ra con đường của mình là học Văn học, trở thành một giáo viên. Tôi nhận ra tầm quan trọng cái khoảnh khắc tôi sẽ là ai trong tương lai và có ảnh hưởng tới thế giới. Mặc dù không theo đường chính trị nhưng tôi vẫn muốn thành công và nhận ra tôi phải tìm ra hướng đi cho chính bản thân mình, phát triển theo cách riêng của mình và tôi muốn nói với các bạn rằng nếu không có khoảng thời gian đó để tìm ra hướng đi của mình, thì tôi sẽ không bao giờ trở thành tôi của hôm nay”.

Buổi nói chuyện của ông được hơn 1500 sinh viên theo dõi

Ông chia sẻ thêm: “Tôi là Thủ tướng và cha tôi cũng từng là Thủ tướng nhưng điều đó không phải hiển nhiên cũng không phải tự động. Tôi tập trung vào hướng đi của mình. Cha tôi từng là chính trị gia bởi từng là một học giả, một luật sư nhưng tôi đi vào con đường chính trị với vai trò là một giáo viên. Tôi nghĩ rằng điều đó phù hợp với tôi và giúp tôi đạt thành công như ngày hôm nay. Không điều gì tốt hơn khi bạn tìm ra được con đường đi của chính mình. Mọi người đều có những khoảng thời gian khó khăn khác nhau nhưng hãy xem đó là động lực để tìm ra con đường và đó chính là cách tìm ra lối đi và cách vượt qua chúng. Hoặc có giai đoạn khó khăn bất khả kháng, như tôi mất em trai của mình, và tôi tự tìm lấy sức mạnh để tiến lên phía trước để giúp đỡ những người thân yêu của mình”.

Nhiều câu hỏi mà vị Thủ tướng Canada trả lời được sinh viên đăng ký gửi từ trước

Cũng tại đây, khi tự chọn câu hỏi vì sao chơi boxing làm từ thiện thì Thủ tướng Justin Trudeau cho biết: “Đó là một trận đấu khó khăn nhưng đó là cách tôi thử sức bản thân mình. Nhưng giờ với việc điều hành đất nước đôi khi cũng khiến tôi căng thẳng và boxing là cách để giải tỏa điều đó. Điều quan trọng của môn boxing không phải bạn đánh bao nhiêu mà bạn chịu được bao nhiêu cú đấm để vượt qua khó khăn”.

Thủ tướng Canada vẫy tay chào tạm biệt các sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Lời khuyên nào dành cho sinh viên Việt Nam, Thủ tướng Justin Trudeau nói: “Làm sao mỗi người các bạn có thể tìm ra được sự cân bằng giữa phát triển về công nghệ và đời sống thực tại. Mỗi người phải tìm ra niềm đam mê của bản thân, bao nhiêu học từ sách vở, bao nhiêu học từ thực tế, bao nhiêu là học từ các khóa học và bao nhiêu từ cách tự thử thách bản thân mình?. Bạn có thể gặp vấn đề để tìm ra nhưng điều quan trọng là bạn phải cảm thấy hứng thú về những gì sắp tới bạn sẽ làm. Hay cảm thấy phấn khởi bởi những điều đó và thách thức như là một cơ hội để phát triển. Đó là tương lai của tất cả chúng ta khi bạn đối mặt mọi chuyện bằng sự linh động tích cực. Khi già đi nhìn lại, bạn sẽ thấy vui với cả quá trình đó và bản thân phải lưu giữ và thúc đẩy điều mà bản thân nghĩ là bạn làm được”

Nguồn: Dân Trí

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG EVERETT - BƯỚC ĐỆM HOÀN HẢO CHO TẤM BẰNG ĐẠI HỌC MỸ DANH GIÁ

Bạn đã bao giờ nghĩ sẽ tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi? Hoàn thành 2 năm đầu tiên của đại học tại một trường cao đẳng cộng đồng và chuyển tiếp thành công lên năm thứ ba và thứ tư đến các trường đại học top cao ở Mỹ? Bạn muốn trở thành phi công hoặc y tá được đào tạo bài bản tại Mỹ? Bạn có nghĩ đến việc giành học bổng tại một trường cao đẳng cộng đồng Mỹ - chi phí du học đã rẻ nay còn rẻ hơn? Những điều không tưởng này hoàn toàn có thể trở thành sự thật khi bạn chọn du học tại trường Cao đẳng cộng đồng Everett!

Everett là trường cao đẳng cộng đồng chất lượng cao được rất nhiều phụ huynh và các em học sinh quốc tế cũng như Việt Nam lựa chọn. Với mức chi phí tiết kiệm, chương trình bằng kép độc đáo và hệ thống chuyển tiếp thành công, Everett là cơ hội dành cho tất cả các bạn học sinh Việt Nam có ý định đi du học Mỹ. Để nắm bắt cơ hội này, Capstone Việt Nam hân hạnh mời Quý vị phụ huynh và các bạn học sinh đến tham dự buổi Hội thảo Du học Mỹ - “Cao đẳng Cộng đồng Everett - Bước đệm hoàn hảo cho tấm bằng đại học Mỹ danh giá”. Đến với Hội thảo, Quý phụ huynh và các em học sinh sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với cô Marla Jo Tembreull, Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục quốc tế, về điều kiện nhập học, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, cũng như mức học phí và chính sách học bổng hấp dẫn dành cho sinh viên Việt Nam của trường.

Hội thảo diễn ra tại:
TP. Hồ Chí Minh: Thứ Năm, ngày 09/11/2017, từ 18h - 20h, tại 22 Trần Quý Khoách, Quận 1
Hà Nội: Thứ Bảy, ngày 18/11/2017, từ 14 - 17h, tại 8C Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm

Quý phụ huynh và các em học sinh/sinh viên đăng ký tham dự hội thảo tại ĐÂY để được miễn phí tư vấn làm hồ sơ nhập học tại trường.


Trường Cao đẳng cộng đồng Everett thành lập năm 1941, là trường cao đẳng cộng đồng được chính phủ công nhận. Trường cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao trong một môi trường học tập năng động khuyến khích sinh viên đạt được các mục tiêu đã đề ra. Thông qua các dịch vụ giảng dạy và hỗ trợ học tập, trường trang bị cho sinh viên hành trang để trở thành những công dân có trách nhiệm với cộng đồng và với thế giới. Sinh viên quốc tế được học tập trong lớp học có quy mô nhỏ tại khuôn viên trường học hết sức thân thiện và an toàn cùng nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra quanh năm.

Cao đẳng cộng đồng Everett tọa lạc gần thành phố Seattle, bang Washington, di chuyển chỉ mất 30 phút và cách hãng máy bay Boeing 15 phút chạy xe. Trường có nhiều sinh viên chuyển tiếp thành công vào các trường đại học 4 năm, sinh viên có thể lấy bằng đại học theo ý muốn sau khi học thêm 2 năm.


Đội ngũ giảng viên tận tụy tại trường Cao đẳng cộng đồng Everett đem đến đời sống khác biệt cho sinh viên. Trường vô cùng tự hào về những giải thưởng mà nhà trường nói chung và các giảng viên đang giảng dạy tại trường nói riêng đã đạt được.

Sau đây là một số điểm mạnh của trường Cao đẳng Cộng đồng Everett:
  • Không yêu cầu điểm TOEFL hoặc IELTS
  • Có chương trình tiếng Anh - chỉ 4 cấp độ; mỗi quý học một cấp độ
  • Chương trình đào tạo kép: vừa lấy bằng THPT, vừa lấy bằng Cao đẳng (chỉ dành cho sinh  viên đủ 16 tuổi và đã học xong chương trình lớp 10)
  • Chương trình chuyển tiếp lên đại học 2+2 - Đa số sinh viên chuyển tiếp lên các trường thuộc top 150 các trường đại học Mỹ
  • Có học bổng cho sinh viên quốc tế
  • Nhà ở (ký túc xá) ngay trong khuôn viên trường
  • Học viện giáo dục Xuất sắc Aspen tuyên danh trường Cao đẳng cộng đồng Everett nằm trong top 150 trường Cao đẳng cộng đồng tốt nhất nước Mỹ.



Học phí và chi phí tham khảo năm học 2017-2018
Học phí                             $   9.069
Sách vở                             $   1.050
Chi phí ăn ở                      $   8.200
Phí tiêu dùng cá nhân       $   1.050
Bảo hiểm y tế                   $   1.098
Tổng cộng                       $ 20.467

Để biết thêm thông tin chi tiết về hội thảo, truy cập tại ĐÂY hoặc liên hệ: 

Capstone Việt Nam
Văn Phòng Hà Nội
8C Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm
ĐT: +84.4.39388455
Văn phòng Hồ Chí Minh
22 Trần Quý Khoách, P. Tân Định, Quận 1
ĐT: +84.8.38482628

Hotline: 0964 925 319 - 0936 701 696